A.Rụng tóc là gì?

– Rụng tóc sinh lý: Thông thường mỗi sợi tóc có thể sống được khoảng từ 8 tháng đến 5 năm. Vì vậy, trong một chu kỳ sống, tóc sẽ dần già, yếu đi và rụng là điều bình thường.

Một người khỏe mạnh có thể rụng từ 50 đến 100 sợi tóc/ngày. Sau khi tóc rụng một lượng tóc mới sẽ được mọc lên để thay thế, bù lại số lượng sợi tóc đã bị rụng để đảm bảo độ dày ổn định cho mái tóc.

– Rụng tóc bệnh lý: Khi lượng tóc rụng lớn hơn 100 sợi/ ngày thì được gọi là bệnh rụng tóc. Nhận biết tình trạng rụng tóc bệnh lý qua một số dấu hiệu như:

  • Rụng tóc nhiều (trên 100 sợi/ngày), nhất là khi gội đầu, ngủ dậy và khi vuốt tóc, chải đầu thấy lượng tóc bám vào nhiều hơn bình thường.
  • Tóc con mọc lên thì tóc yếu, mảnh, xoăn hoặc thậm chí không có tóc con mọc lên
  • Tóc mảnh, thưa có thể thấy rõ da đầu ở nữ.
  • Tóc rụng thành từng mảng, có thể gây hói nhẹ đối với nam.

“Cái răng cái tóc là góc con người”

Từ xa xưa một mái tóc đẹp đã gắn liền với quan niệm thẩm mỹ của người Việt. Trong xã hội hiện đại, tiêu chuẩn một mái tóc đẹp càng được chau chuốt hơn. Tuy nhiên, không phải ai sinh ra cũng đã sở hữu một mái tóc đẹp sẵn rất nhiều người gặp phải tình trạng tóc mỏng, rụng tóc thậm chí hói đầu khi tuổi còn trẻ gây nên nhiều trở ngại trong cuộc sống.

B.Nguyên nhân gây rụng tóc

Rụng tóc có nhiều nguyên nhân nhưng theo y học hiện đại được chia thành 4 nguyên nhân chính sau:

– Rụng tóc do tác dụng vật lý: Các tác động bên ngoài như buộc tóc quá chặt, đội nón bảo hiểm hay can thiệp hóa chất vào tóc như: gội, nhuộm, sấy,… sẽ khiến chân tóc yếu đi và dần gây rụng.

– Rối loạn nội tiết tố: Sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể trong thời gian mang thai, dậy thì thậm chí tiền mãn kinh cũng có thể là nguyên nhân khiến tóc rụng đột ngột.

– Thiếu hụt chất dinh dưỡng: Ăn uống không đủ chất đặc biệt thiếu hụt chất đạm, kẽm, đồng, vitamin B,… là nguyên nhân gây rụng tóc ở một số đối tượng.

– Di truyền: Đây là nguyên nhân chính gây rụng tóc, hói đầu ở nam giới. Theo nghiên cứu cho thấy có đến 95% phái mạnh bị rụng tóc bởi di truyền từ các thế hệ đi trước.

C.Vậy khắc phục tóc rụng như thế nào?

Không cần phải đi chữa trị tại bệnh viện hay đến các spa đắt tiền, việc rụng tóc hoàn toàn có thể khắc phục được nếu bạn áp dụng đúng phương pháp. Đặc biệt các nguyên liệu đến từ thiên nhiên rất tốt trong việc chữa trị vấn đề này.

  1. Tinh dầu vỏ bưởi

Tinh dầu trong vỏ bưởi có tác dụng trị rụng tóc và kích thích tóc mọc nhanh và khỏe hơn bởi trong vỏ bưởi có rất nhiều pectin, naringin và các loại vitamin A, C,… Vì thế từ xưa, vỏ bưởi đã là lựa chọn của hầu hết mọi người trong việc làm đẹp tóc.

Bạn có thể dùng 1 trong các cách sau:

  • Pha loãng tinh dầu vỏ bưởi với dầu nền (tỉ lệ khoảng dưới 10% tinh dầu) sau đó massage nhẹ và kỹ trên da đầu, ủ khoảng 15p sau đó gội sạch lại.
  • Sau khi gội dầu và lau khô, lấy khoảng từ 0,5-1ml (10-20 giọt) hỗn hợp tinh dầu vỏ bưởi và dầu nền (tỉ lệ khoảng 1-5% tinh dầu) xoa lên da dầu và tóc, sau đó massage nhẹ nhàng.
  • Nhỏ 2-3 giọt tinh dầu vỏ bưởi vào nước gội đầu và gội.
  • Sau khi gội xong, lấy 2-3 giọt tinh dầu pha với 10-20ml nước ấm lắc đều rồi xịt đều lên tóc, hoặc pha với 1 gáo nước dội lại lần cuối lên tóc sau đó massage nhẹ nhàng

Khi dùng cần pha tinh dầu với dầu hoặc nước là vì: thứ nhất tinh dầu là hợp chất thơm dễ bay hơi nên cần phải pha chế với dầu để hạn chế bay hơi, thứ hai tinh dầu nguyên chất thì rất đậm đặc nên phải pha chế với dầu, nước để làm loãng tinh dầu ra và giúp tinh dầu được xịt đều lên tóc, và thứ ba là có dầu thì tinh dầu sẽ lưu lại trên da lâu hơn + thẩm thấu sâu hơn. Tuy tinh dầu không tan trong nước, nhưng trước khi dùng lắc đều và mạnh thì các giọt tinh dầu sẽ bị phân nhỏ, li ti hòa vào nước. Khi đó ta mới dùng để xịt hoăc đổ ra tay rồi xoa lên da, tóc ok.

Ngoài ra, nếu có điều kiện, các bạn có thể dùng vỏ bưởi phơi khô cùng với thảo dược gội đầu làm nước gội đầu cũng rất hiệu quả.

  1. Dầu dừa

Công dụng làm đẹp của dầu dừa đã được rất nhiều người chứng thực. Để làm đẹp tóc, bạn cứ lấy trực tiếp dầu dừa xoa đều từ chân tóc đến ngọn tóc. Sau đó ủ khoảng 20 – 30 phút rồi gội sạch với dầu gội và nước ấm là được. Tuy nhiên phương pháp này bạn chỉ nên áp dụng 1 tuần 1 – 2 lần để tránh tình trạng tóc bết.

  1. Nha đam

Nha đam không chỉ là nguyên liệu dưỡng da mà còn giúp tóc mọc nhanh và khỏe hơn nữa. Dưỡng chất trong lá nha đam giúp tóc mọc nhanh và dày hơn, ngoài ra nếu tóc bạn chẳng may bị khô xơ hay hư tổn do hóa chất, nha đam cũng giúp bạn hồi hục hiệu quả.

Bạn chỉ cần tách lấy phần thịt nha đam trong suốt rồi xay nhuyễn, thoa trực tiếp lên tóc từ chân đến ngọn rồi ủ tóc từ 20 – 30 phút sau đó gội sạch với nước. Chăm chỉ 2 lần/1 tuần bạn sẽ thấy mái tóc được cải thiện đáng kể.

  1. Bồ kết và thảo dược

Từ rất lâu bồ kết đã là nguyên liệu quan trọng trong việc duy trì mái tóc đen mượt của chị em Việt. Khi xã hội hiện đại hơn phương pháp này vẫn luôn được yêu thích vì công dụng tuyệt với của bồ kết.

Trong bồ kết có chứa  tinh chất flavonozit và chất saponaretin, giúp tóc mọc nhanh và duy trì vẻ đen mượt bóng khỏe. Cách dùng đơn giản nhất là đun bồ kết với nước rồi trực tiếp dùng nước bồ kết để gội đầu thay dầu gội thông thường. Kiên trì gội đầu bằng bồ kết 3 lần/1 tuần để thấy sự khác biệt.

  1. Hà thủ ô chế

“Muốn cho xanh tóc đỏ da,

Rủ nhau lên núi tìm hà thủ ô”

Hà Thủ Ô đã được sách thuốc xưa ghi lại với nhiều công dụng độc đáo như chữa tràng nhạc, mạnh gân cốt đẹp sắc mặt, mẩn ngứa ở đầu mặt cổ thêm khí huyết. Chữa táo bón lâu ngày, uống lâu làm xanh râu tóc, kéo dài tuổi thọ.

Y học hiện đại cũng đang dần tiến sâu vào nghiên cứu những giá trị chữa bệnh độc đáo của vị thuốc này. Theo GS.TS Đỗ Tất Lợi ghi chép lại thì những thành phần dược lý cơ bản có trong vị thuốc đã giải thích được phần nào những công dụng trên.

Ông cho biết thuốc hà thủ ô trị thần kinh suy nhược, ngủ kém, sốt rét kinh niên, thiếu máu, đau lưng, mỏi gối, di mộng tinh, bạch đới, đại tiểu tiện ra máu. Mẩn ngứa, làm đen râu tóc đối với người bạc tóc sớm, làm tóc đỡ khô và đỡ rụng.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng – nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết: nhiều người đã dùng hà thủ ô không chỉ để chữa rụng tóc, tóc bạc sớm mà cả đau lưng, yếu khớp gối, yếu cơ, liệt nửa người, tinh thần hồi hộp, chóng mặt, mất ngủ, suy nhược thần kinh, tăng cholesterol máu và xơ vữa động mạch, tăng cường miễn dịch, tiểu đường…

Thân rễ Hà thủ ô chứa antranoid, trong đó có emodin, chrysophanol, rhein, physcion; protid, tinh bột, lipid, chất vô cơ. Các chất tan trong nước, lecitin, rhaponticin tetrahydroxytibene  và tanin giúp bổ huyết giữ tinh.

Nhưng các bạn cần phải rất lưu ý vì hà thủ ô là một vị thuốc có chất độc,. Theo sách “Hiện đại thực dụng trung dược học”, củ Hà thủ ô chứa 1,7% antraglucosid, 68% tanin, và một số anthraquinon tự do là những hoạt chất độc, không tốt cho cơ thể. Liều độc uống 50g hà thủ ô sống lúc đói bụng (2,7g/kg cơ thể) và hà thủ ô chế là 169,4g/kg có thể gây chết 50% động vật thí nghiệm…Nên nếu không biết cách chế biến sẽ dễ ngộ độc như đi ngoài, ngủ li bì, phù nhẹ, có thể tử vong nên cần phải biết cách lựa chọn nơi bán hàng chất lượng và chế biến các bài thuốc có loại thảo dược này thật đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ.

Cách bào chế:

Bước 1: Hà Thủ Ô Đỏ sau khu thu hoạch về, chúng ta mang đi rửa thật sạch. Tiếp theo chúng ta tiến hành cạo vỏ, bỏ lõi thái thành các lát nhỏ.

Bước 2: Hà thủ ô sau khi đã thái thành các lát mỏng chúng ta đem ngâm vào nước vo gạo 1 ngày 1 đêm (chú ý thay nước vo gạo).

Bước 3: Chế cùng đậu đen: Sử dụng hà thủ ô và đậu đen tỷ lệ 1kg hà thủ ô, 100g đậu đen xanh lòng trộn đều cho vào trõ hấp cách thủy. Đổ nước trên mặt thuốc khoảng 3-5 cm. Nếu nấu trực tiếp, nên đặt them một cái vỉ ở đáy nồi, để khỏi bị cháy khét.

Đun sôi, nhỏ lửa đến khi đậu đen nhừ, chú ý trong quá trình đun nên đảo đều để đậu đen ngấm đều vào hà thủ ô.

Bước 4: Đậu đen sau khi chín nhừ, vớt hà thủ ô ra phơi, nếu còn nước đậu đen thì tẩm – phơi, cho đến khi nước đậu đen ngấm hết vào hà thủ ô mới thôi.

Thực hiện “nấu- tẩm – phơi” như vậy 9 lần thì gọi là “cửu chưng cửu sái”sẽ được sản phẩm hà thủ ô chế chất lượng. Lần cuối cùng đem hà thủ ô phơi thật khô rồi sử dụng sắc uống dần hoặc tán bột kết hợp với các vị khác để làm thuốc.

Lưu ý kiêng kỵ:

Theo tài liệu cổ, khi sử dụng hà thủ ô cần kiêng kỵ “ 3 thứ màu trắng” (tam bạch): Đó là tỏi, hành củ và củ cải trắng; ngoài ra, còn phải kiêng ớt và hồ tiêu, vì đó là những thứ cay, nóng, có tính phát tán, làm hao tổn tinh huyết.

Tổng kết:

Tóc trong Đông y gọi là huyết dư, nên muốn tóc dài và dày thì khí huyết phải đầy đủ và lưu thông. Tức là mái tóc đen nhánh, dài, mượt…như các thiếu nữ ngày trước hay như các hãng vẫn thuê mẫu quảng cáo là thể hiện sức khỏe của họ tốt. Điều đó không phải chỉ do gội bằng bồ kết hay gội bằng thảo dược mà là một sự điều chỉnh về thói quen sinh hoạt, lối sống lành mạnh từ ăn uống, tập luyện, nghỉ ngơi. Gội đầu thảo dược, tinh dầu vỏ bưởi, hà thủ ô chế cửu chưng cửu sái…tất cả chỉ có tác dụng hỗ trợ. Các cụ dạy: “Cái răng, cái tóc là góc con người”, cũng có ý là răng tóc đều đẹp, thì người đó có sức khỏe.

Việc đầu tiên là hạn chế các tác hại của hoá chất với sức khỏe qua dầu gội, hoá mỹ phẩm, sau là dùng các sản phẩm thay thế từ thiên nhiên, các loại thảo dược, bồ kết, tinh dầu vỏ bưởi, dầu dừa…

Thứ hai là phải điều chỉnh chế độ ăn uống, chọn lựa các thức ăn lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng, mùa nào thức nấy, ưu tiên ăn đồ địa phương.

Thứ ba là cần có chế đọ tập luyện thường xuyên, như chạy bộ, nhảy dây, bóng truyền, tennis, bơi, yoga…để tăng cường, giúp lưu thông khí huyết…

Và cuối cùng là cần có một tinh thần cân bằng, thoải mái, ít lo toan, suy nghĩ…thì sức khỏe sẽ luôn tốt, dĩ nhiên mái tóc sẽ luôn đen, mượt.