Giổi

Còn gọi là hạt giổi, cây giổi

Tên khoa học Talauma gioi Chev (theo A. Chevalier, 1918)

Thuộc họ Ngọc lan Magnoliaceae

  1. Mô tả cây

Giổi là một cây to, cao, có thể trên 20m, thân thẳng, vỏ xám nứt dọc. Lá hình thuẫn, mặt trên màu lục bóng, mặt dưới có lông tơ màu hung, cuống dài. Hoa to, mọc đơn độc ở đầu cành, cuống lớn có lông. Đài và tràng nạc, không phân biệt. Nhị rất nhiều và cứng, ô phấn nứt dài, chỉ nhị ngắn và to. Lá noãn xếp xoắn ốc thành một khối hình trứng, vòi ngắn, tù và nhẵn. Mỗi lá noãn có hai noãn. Quả kép gồm nhiều đại khi chín hóa gỗ, dày, nứt theo đường bụng thành hai mảnh. Hạt dính liền với  trụ giữa của đế

Mùa hoa: tháng 4-5, mùa quả: tháng 9-10

2. Phân bố, thu hái và chế biến

Cây mọc hoang dại ở khắp những vùng rừng núi thuộc tỉnh Hà Tây, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Thanh Hóa

Chủ yếu cây giổi cho gỗ thường dùng để làm nhà, đóng thuyền, làm đồ dùng trong nhà. Làm thuốc người ta thường dùng quả (gọi nhầm là hạt). Tại những chợ ở các tỉnh miền núi, một số ít ở Hà Nội, nhân dân thường bán quả giổi nhỏ bằng quả xoan nhỏ, mặt nhăn nheo, mùi thơm dễ chịu. Tại những vùng núi, ngoài công dụng làm thuốc, người ta còn dùng làm gia vị.

Vỏ cây cũng được dùng làm thuốc, nhưng phổ biến nhất là quả.

3. Thành phần hóa học

Trong quả giổi có tính dầu mùi thơm cumarin và hơi có mùi long não.

Năm 1997, Nguyễn Xuân Dũng và công sự (J, Essent. Oil. Es. 9. 119-121, Jan/Feb, 1997) đã nghiên cứu thành phần hóa học của một số bộ phận trong cây giổi (lá, thân, vỏ, thịt và nhân quả) đã thu được như sau:

Thành phần thịt quả và hạt chứa chủ yếu safrol (70,2% và 72,9%) và metyl eugenol (24,2% và 18,5%). Camphor (23,2%) là thành phần chủ yếu của tinh dầu trích ra từ thân cây. Tinh dầu trích ra từ vỏ thân chứ 15,7% camphor, 14,3% safrol, 15,6% β-caryophyllen và 13,7% elemicin. Tinh dầu cất từ lá có 10,9% β-caryophyllen và 46,3% elemicin

4. Công dụng và liều dùng

Tại Hà Tây, Hòa Bình nhân dân, đặc biệt dân tộc Mường, thường dùng quả giã với muối dùng làm gia vị. Ngoài ra còn dùng làm thuốc chữa đau bụng, ăn uống không tiêu, xoa bóp khi đau nhức, tê thấp. Ngày uống 1 đến 3 quả hoặc dưới dạng bột, hoặc dưới dạng ngâm rượu (quả giổi 100g, rượu 40O 500ml, ngâm 7-10 ngày) mỗi ngày uống 3-5ml rượu này. DÙng ngoài xoa bóp không kể liều lượng.

Vỏ cây dùng làm thuốc chữa sốt, ăn uống không tiêu: ngày dùng 6-10g dưới dạng thuốc sắc

Chú thích:

Ngoài cây giổi này, nhân dân còn dùng hạt cây giổi lông Michelia balansae Dandy cùng họ, cao 7-8m, gỗ cũng được dùng đóng đồ dùng trong nhà, xây nhà cửa. Cây giổi thơm – Tsoongioderdron odorum Chun thuộc cùng họ, cũng cho gỗ làm nhà, đóng đồ dùng, hoa to, thơm và đẹp có thể dùng cất nước hoa, ướp chè.