“Uống trà là một cách thiền! Bởi qua chén trà, con người ta bỗng sẽ tự biết lắng mình xuống, từ đó trở nên điềm đạm, hoà nhã hơn. Thưởng trà là lúc ta có thể buông bỏ những tạp âm hỗn loạn ồn ào nơi phố xá, những tranh đấu bon chen nơi thế tục, chỉ có tinh thần người thưởng trà trở nên thư thái, thanh thản mà thôi.

Đó cũng là ý nghĩa của văn hoá uống trà, với hy vọng xã hội này bớt đi sự tranh giành ganh đua vì danh vì lợi, có nhiều thêm sự yên tĩnh an lành; bớt đi sự hào nhoáng bề ngoài, có nhiều thêm sự chân thành giữa người với người. Không phải ngẫu nhiên mà mà các nước phát triển vẫn gìn giữ văn hoá uống trà: Như Anh Quốc có tiệc trà chiều, như Nhật Bản- Trung Quốc với trà đạo. Không phải ngẫu nhiên mà người ta uống trà theo một cách trân trọng và đặc biệt đến vậy.“

Cuộc phỏng vấn của chúng tôi bắt đầu bằng những lời chia sẻ ấy từ anh – chủ nhân một cửa hàng trà nhỏ với thương hiệu mang tên: Trà Bà Vân.

Hành trình tìm kiếm những vùng trà sạch

Ngồi đối diện tôi là anh Xuân Hiến, một kỹ sư cơ khí của 5 năm về trước, còn bây giờ, anh là “con buôn” trà sạch thực thụ. Có thể bạn sẽ tò mò, rằng một người làm công việc không hề liên quan gì đến trà, làm sao có thể hiểu được về trà cặn kẽ để mà tự tin nói rằng, sản phẩm của mình là trà sạch, trà tự nhiên, trà không giống với những loại khác trên thị trường? Tôi đến gặp anh với một tâm thế “nghi ngờ” như vậy !

Anh Xuân Hiến tại vùng trà Shan Tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh

Tôi mở đầu bằng một câu hỏi cá nhân – cơ duyên nào đưa anh đến với trà. Ở loại thức uống này có gì đặc biệt để anh bỏ cả sự nghiệp vốn đang ổn định của mình, một công việc mà theo anh chia sẻ về sau “từng là mơ ước, phải phấn đấu mãi mới có được” dạo đó.

Anh nhớ lại: “Cơ duyên với trà bắt nguồn từ sở thích riêng của bản thân. Sau giờ làm, thay vì đi uống cafe hay uống bia như bạn bè, mình lại thèm hơn môt tách trà thơm. Với mình, uống trà là cách giúp cân bằng cuộc sống hiệu quả. Tuy nhiên, thời gian đó mình không tìm thấy một địa chỉ nào bán trà chất lượng, loại trà với hương vị thoảng mùi cốm non, không quá chát, ngọt nhẹ nơi hậu vị.

May mắn, công việc chính thời đó yêu cầu cần xuống công tác thường xuyên tại Thái Nguyên, mình có cơ hội được gặp một số người am hiểu về trà, được “mách” cho một số vườn trà ngon ở nơi đây. Sau đó, mình dành thời gian xuống từng nguồn để tìm hiểu.”

Anh chia sẻ, ban đầu tìm hiều về trà chỉ với mục đích phục vụ cho thứ “khẩu vị khác biệt” của bản thân, sau thấy có một số người cũng cùng sở thích uống trà với mình, anh mới bắt đầu nhập về để bán. Vừa đi làm, vừa bán chè như một nghề tay trái để có thêm thu nhập. Nhưng khổ một nỗi càng tìm hiểu sâu về trà, anh lại càng cảm thấy say mê:

“Càng đi nhiều, càng tìm hiểu sâu, mình lại càng thấm nhuần được ý nghĩa đặc biệt của loại thức uống này, càng nhìn thấy hình ảnh của bản thân mình trong đó. Sự đơn giản, mộc mạc, truyền thống, thuận tự nhiên là đặc trưng của trà, cũng là phong cách sống mình hướng tới.”

Sau một khoảng thời gian làm song song 2 công việc, cách đây 2 năm, anh quyết định bỏ lại sự ổn định để dành chọn thời gian của mình cho trà.

Xót xa nhìn giống bản địa đang ngày càng mai một

Khi được hỏi về nguồn gốc của những loại trà hiện anh đang bày bán. Anh nói: “Mỗi năm, mình thường dành một đến hai tháng đi khắp nơi để tìm kiếm những vùng trà mới, rồi ở lại đó một thời gian để xem cách bà con trồng và sản xuất trà như thế nào. Đi nhiều, tìm hiểu kỹ, cũng là lúc mình nhận ra hiện thực đáng buồn: Những cây trà giống bản địa đang bị mai một nhanh chóng. Hiện nay, trà giống bản địa ở Tân Cương chỉ còn tầm 15 hecta, và đang có nguy cơ bị thu hẹp thêm nữa trong tương lai.”

Trà giống bản địa ở Tân Cương chỉ còn tầm 15 hecta, và đang có nguy cơ bị thu hẹp thêm nữa trong tương lai

Anh chia sẻ thêm, người dân tại Tân Cương – Thái Nguyên, vùng đất nổi tiếng có thể trồng được loại trà ngon, bắt đầu chặt hết những cây trà đã tồn tại 50-60 năm để thay bằng các loại giống ngoại lai cho năng suất hơn 3-5 lần, bởi chúng có được những đặc tính thoả mãn với thị hiếu phần đông khách hàng: Xanh, thơm.

Tuy nhiên giống trà ngoại lai thường “sống nhờ hoá chất”, nhờ phân bón tổng hợp NPK, nhờ thuốc kích mầm, thuốc xanh lá, thuốc trừ sâu,… Người trồng thường phun những hoạt chất trên 7 lần trong vỏn vẹn 40 ngày để có được những búp trà xanh non, bắt mắt.

Chính vì lẽ đó, anh chủ yếu tìm đến những cây trà ở vùng núi cao 1000-2000m so với mực nước biển. Chúng phát triển hoàn toàn tự nhiên và hầu như không có sự tác động của con người (kể cả việc bón phân hay tưới nước). Bà con chỉ tỉa cành sau khí hái để tạo điều kiện cho trà phát triển. Dòng trà tự nhiên này là sản phẩm chủ đạo của cửa hàng anh.

Tuy nhiên những cây trà cổ này không có nhiều, đó là lý do vì sao trà của mình không bao giờ có số lượng lớn, chỉ vừa đủ để bán lẻ. Nhưng sự “hạn chế” này lại giúp mình có thể kiểm soát chất lượng đầu vào chặt chẽ hơn.

Mình cố gắng thay đổi nhận thức của bà con và đảm bảo đầu ra cho họ được chút nào hay chút đấy. Làm những gì có thể để những cây trà tự nhiên còn sót lại không bị chặt bỏ thêm nữa.” – Anh bộc bạch.

Bán bằng niềm tin, chứng nhận là thứ vô giá trị

Tôi hỏi, vì sao anh có thể đảm bảo rằng trà của anh được sản xuất sạch và đáp ứng đủ những tiêu chuẩn an toàn. Anh giải thích: “Mình không ngồi nhà gọi trà để người ta mang đến, mình đến tận nơi để thu mua nguyên liệu, tận mắt xem bà con thu hái, cùng bà con sản xuất trà, khâu nào tham gia đươc mình đều tham gia.”

Có lẽ biết trước được tôi khó có thể tin rằng anh xuống tận vùng trà để thu hái và sản xuất. Anh cười nói thêm: “Mình biết bạn khó có thể tin, nên cũng như với khách hàng, mình sẽ không giải thích thêm. Điều mình chú trọng là tính minh bạch, bạn có thể lấy sản phẩm đi kiểm tra bất cứ lúc nào, và mình hoàn toàn chịu trách nhiệm với sản phẩm đó.”

Thật vậy, tôi chưa thấy có nhà phân phối trung gian nào không những in rõ vùng trồng, mà còn ghi đầy đủ cả tên, cả địa chỉ liên lạc của người sản xuất lên bao bì như anh.

Tôi thắc mắc rằng chẳng lẽ anh không sợ người khác đến đặt hàng trực tiếp với người sản xuất – nhưng người anh đã cất công tìm kiếm hay sao? Anh nói: “Mình muốn là người tiên phong cho sự minh bạch, là người có thể chứng minh rằng, không cần có chứng nhận an toàn hay hữu cơ, niềm tin ở con người mới là chìa khoá kinh doanh với bất cứ ngành nghề nào, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm sạch,”

Ngoài dòng trà tự nhiên, anh còn có trà trồng đạt tiêu chuẩn an toàn VietGap và Tiêu chuẩn Hữu cơ của Mỹ và EU

Những sản phẩm mà anh đang bán, ngoài dòng trà tự nhiên trên vùng núi cao chiếm phần lớn, còn có trà trồng vùng Tân Cương giống bản địa đạt tiêu chuẩn an toàn VietGap, và dòng trà ô-long, trà phổ nhĩ được canh tác hữu cơ (có chứng nhận từ EU và Mỹ). Nhưng điều trái ngược là, trên bao bì anh tuyệt nhiên không in những chứng nhận đó lên.

Anh giải thích về điều này: ”Những chứng nhận trên với mình là vô giá trị, mình chỉ nhìn vào cái tâm của người sản xuất, dùng cả lý trí và cảm nhận của mình để đánh giá. Mình làm việc với con người, chứ không làm việc với sản phẩm, với “giấy tờ”, bởi một tiêu chuẩn có chặt chẽ đến đâu, cũng không thể không có sơ hở, người muốn sẽ vẫn có thể tìm ra.”

4 năm bán trà – không sống được bằng trà. Chưa từng nghĩ sẽ từ bỏ !

Khó khăn trong kinh doanh không nhất thiết phải đề cấp tới nữa, đó là điều bình thường và tất yếu. Nhưng khi nhìn thấy được giá trị nhân văn trong công viêc đang theo đuổi, người ta thường sẽ không bị ảnh hưởng bởi chúng nhiều, có lẽ đối với anh cũng vậy.

“Với những loại trà sản xuất ra để phục vụ đại chúng, chất lượng chưa tốt, hương vị bị tác động bởi những yếu tố ngoại lai (công nghệ sinh học),… thì đó đơn giản chỉ là một thức uống, không thể ẩn chứa những giá trị tinh thần hay đại diện cho những giá trị của một nền văn hoá truyền thống.

Bạn thử nghĩ xem, những người nước ngoài sang Việt Nam, có mấy ai mua trà Việt để mang tặng người thân, bạn bè họ. Mình không chỉ muốn gìn giữ, bảo tồn, phát triển các vùng trà bản địa thuần chủng, trà tự nhiên trên toàn lãnh thổ Việt Nam, mà còn muốn đưa tinh hoa của trà Việt ra thế giới.”

Không trả lời trực tiếp câu hỏi cuối từ tôi, nhưng chắc hẳn chúng ta đều đã hiểu vì sao mặc dù sau 4 năm bán trà, không sống được bằng trà, nhưng anh chưa từng nghĩ bản thân sẽ từ bỏ !

Hồng Ngọc @ songhuuco.vn

Nguồn:http://www.songhuuco.vn/Gin-giu-tinh-hoa-tra-Viet–Niem-ap-u-cua-anh-chang-ky-su-co-khi-d-963.html