Làng nghề dệt lanh Lùng Tám nằm nép mình giữa những đỉnh núi đá mù sương bốn mùa mây phủ ở huyện Quản Bạ, Hà Giang. Đây là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Mông, ngoài trồng lúa và các loại hoa màu, đồng bào ở đây còn trồng lanh, dệt vải với truyền thống và quan niệm “chỉ có mặc vải lanh, mình mới không bị lạc tổ tiên… mỗi người phụ nữ Mông đến tuổi trưởng thành đều có những mảnh nương riêng để trồng lanh và tự dệt vải để may váy, áo và đồ dùng trong gia đình. Để tạo thêm thu nhập cũng như lưu giữ và truyền bá nét văn hóa độc đáo của người Mông, nghề thủ công dệt lanh, nhuộm chàm và vẽ sáp ong đang được triển khai và quảng bá như một nét độc đáo gắn với du lịch của khu vực này

Toàn bộ quy trình dệt vải lanh kéo dài đến 7 tháng (từ lúc gieo trồng cho đến khi dệt xong vải) và rất tốn công sức. Vào đầu tháng 5 khi nguời Mông gieo ngô thì cũng là lúc họ dành một mảnh đất màu mỡ để trồng lanh. Hạt lanh thường được cất giữ từ mùa trước, những hạt tốt nhất thì được đập và tách vỏ. Người ta gieo hạt rất dày, ít khoảng trống, để các cây lanh khi lớn lên sẽ thẳng, gầy và ít nhánh. Những cây thân mảnh sẽ cho sợi lanh chất lượng tốt hơn.
Hai tháng rưỡi sau khi gieo trồng, lanh sẽ cao khoảng 2m và có thể thu hoạch được. Sau khi thu hoạch, người ta nhặt bỏ tất cả lá và các cành nhỏ còn thân cây lanh sẽ được phơi nắng từ 10 – 14 ngày cho đến khi thật khô. Sau đó, các cây lanh được chia ra thành từng bó dài.

Lanh được phơi và bó thành từng bó (ảnh: Internet)

Người ta sẽ bẻ ở đoạn giữa thân cây và tách vỏ ra khỏi lõi. Từ mỗi cây lanh người ta tước ra được 8-12 sợi lanh, sợi dài nhất khoảng 1.6m. Các sợi lanh sẽ được bó thành từng bó và được giã dập để loại bỏ những phần cứng của vỏ cây.

Cây lanh khô và cối giã sợi sau khi tước (ảnh: bavan)

Nối các sợi lanh với nhau mất rất nhiều thời gian. Người ta tẽ đôi một đầu sợi lanh khoảng 10 cm rồi nối vào đầu một sợi khác bằng cách xoắn chặt lại với nhau, sao cho chỗ nối không nhìn thấy được. Phụ nữ Hmong thường cuốn sẵn những sợi lanh quanh bụng, tay của họ và tận dụng mọi thời gian rỗi để nối lanh.

 


Sợi lanh sau khi nối với nhau để cho độ dài theo yêu cầu (ảnh: bavan)
Để các sợi được bền, người ta dùng một khung quay hình bánh xe bằng gỗ có đường kính khoảng 70cm. Bánh xe (che tu) có thể chuyển động khi người ta đạp các bàn đạp rất thô sơ làm bằng tre. Bánh xe này được gắn 4 que tre nhỏ làm lõi cho các con sợi. Sợi lanh được kéo ra từ 4 cuộn lanh tròn đã được nhúng ướt và được xoắn thật chặt sau mỗi vòng quay và cuộn vào các que tre. 


Ngâm sợi lanh vào nước cho mềm để xe cho tròn (ảnh:bavan)


Thiết bị xe sợi lanh (ảnh:bavan)
Sau đó người ta gỡ những con sợi đã đày và mắc vào một khung tre hình chữ thập (khau ly) để gỡ sợi ra khỏi lõi tre, hết con này đến con khác. Sợi lanh sẽ được gỡ ra và cuốn thành một vòng lớn khi (khau ly) được quay tròn. Tiếp sau đó, người ta đào một cái hố lớn dưới đất và ủ sợi lanh trong đó cùng với tro bếp trong một đêm, rồi luộc kỹ 3 lần cho đến khi sợi chuyển thành màu trắng. Khi luộc lần cuối cùng, người ta bỏ thêm sáp ong vào để sợi lanh được mềm mượt. Người ta còn phải dùng đến (khau ly) một lần nữa để gỡ sợi lanh ra và cuộn lại thành những con sợi nhỏ. 

Sợi lanh sau khi xe được quấn thành từng bó (ảnh: bavan)

Cuối cùng, sợi lanh được cuốn vào các thanh tre ngắn và đưa vào căng sợi dọc cho khung dệt. Khung dệt truyền thống của người Mông là loại go đơn, có cấu trúc khá đơn giản, luôn được kéo căng bằng một đai buộc quanh lưng người thợ dệt. Khổ vải khá hẹp chỉ  khoảng 30 – 35 cm, bằng chiều dài từ cạp váy tới gấu váy. Khi dệt xong, vải dệt phải được nhuộm và giặt nhiều lần trong vòng 1 tháng để được màu như yêu cầu. Cuối cùng, vải lanh sẽ được lăn giữa một khúc gỗ to và một phiến đá lớn để có độ phẳng và mịn.

                         
Dệt vải lanh (ảnh: bavan)


Vải được lăn đi lăn lại trên đá để làm mềm và bóng (ảnh: bavan)
Một số nguyên liệu tạo màu và trang trí họa tiết

Một số sản phẩm làm từ vải lanh


Khăn trải bàn, túi, ví ….(ảnh: bavan)


Miếng lót ấm, chén (ảnh: bavan)

Một mẫu áo làm từ vải lanh (ảnh: bavan)