Hôm trước về nhà anh bạn chơi, được anh cho ăn một loại rau mà anh bảo là “tầm bóp”, vị đăng đắng sau ngòn ngọt, giòn giòn, nói chung là mình thấy ngon.

Hôm qua nhân tiện mới hỏi anh Lê Quế về loại rau này, thì anh hỏi quả nó như thế nào? Mình mới bảo quả xanh, chín thì đen, ăn thì hơi ngọt ngọt. Anh bảo không phải tầm bóp, cây đó có độc đấy. Cây tầm bóp là cây có quả vẫn chơi trò đập vào chán nổ bôm bốp cơ.

Sau khi đăng hỏi trên facebook thì tổng hợp lại thấy tỉ lệ ý kiến hầu hết mọi người vẫn cho đây là loại rau mọi người hay ăn, và gọi là “cây tầm bóp”. Một vài bác bảo đây không phải là cây tầm bóp nhưng không biết rõ nó là cây gì, có ăn được hay là không?

Thực sự mình thấy ăn khá ngon mà nhiều người lại bảo là không ăn được, thậm chí có độc. Thế là google, rồi tra trong cuốn Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của Đỗ Tất Lợi (xuất bản năm 2004, bản pdf) thì…há mồm.

Cây có quả đen đen khi chín và cây TẦM BÓP chỉ cùng họ CÀ (Solanaceae), và nó có tên là…LU LU ĐỰC.

Thông tin thêm về loài cây này như sau, mời các cụ tham khảo:
———–
LU LU ĐỰC
– Tên khoa học: Solanum nigrum L
– Tên gọi khác: Thù lù đực, cây nút áo.
– Mô tả: Cỏ mọc hằng năm, nhẵn hay hơi có lông, cao 50-80cm, có nhiều cành. Lá hình bầu dục, mềm nhẵn, dài 4-15cm, rộng 2-3cm. Hoa nhỏ, màu trắng, mọc thành tán nhỏ có cuống ở kẽ lá. Quả hình cầu, đường kính 5-8mm, lúc đầu màu lục, sau vàng và khi chín có màu đen tím. Hạt dẹt, hình thận, nhẵn, đường kính chừng 1mm. Toàn cây vò hơi có mùi hôi.
– Phân bố, thu hái và chế biến: Cây lu lu đực mọc hoang ở khắp nơi: Vườn, ruộng, hai bên đường khắp nước ta. Còn mọc cả ở các nước khác Châu Âu (Pháp, Ý), Châu Á (Trung Quốc…).
Người ta dùng toàn cây hay hái lá dùng làm thuốc. Thường dùng tươi.
Một số nước dùng cây này làm RAU ĂN, thường nấu chín, thậm chí đổ bỏ 2~3 nước đầu. TUY NHIÊN QUẢ KHÔNG DÙNG VÌ CÓ ĐỘC.
– Thành phần hóa học: Toàn cây chứa solanin, ở quả chứa nhiều hơn.
– Công dụng và liều dùng: Toàn cây có chất độc nhưng nhiều nơi vẫn nấu chín ngọn non ăn như rau (châu Phi, châu Âu, Ấn Độ, Malaixia một một vài nơi ở nước ta).
Khi ăn thường luộc kỹ, bỏ 2~3 nước đầu. Tuy nhiên CÂY XANH TƯƠI ĐỘC VỚI CỪU, DÊ, VỊT, GÀ. BÒ CHỈ NGỘ ĐỘC KHI ĂN NHIỀU.
Nước sắc cây dùng để chữa vết loét, vết bỏng, mẩn ngứa,
Tại Ấn Độ, dịch ép cây này dùng với liều 200-250ml chữa gan phát triển to, làm thuốc thông tiểu và sổ nước.
Với liều nhỏ 30-60ml dịch ép dùng chữa bệnh ngoài ra, nhất là bệnh vảy nến.
———-
Tham khảo thêm về cây TẦM BÓP (lồng đèn, thù lù canh…):
https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BA%A7m_b%C3%B3p

http://hodinhhai.blogspot.com/2014/02/cay-thu-lu-cac-loai.html

Xuân Hiến@bavan.vn