Mẹ bên bếp lửa

Bếp điện, bếp từ với quá nhiều “tiện ích”, dễ sử dụng, ít công sức, sạch sẽ, không khói, gọn nhẹ…Ai cũng thấy điều đó và nó cũng là một lựa chọn…rất tự nhiên cùng với quá trình đô thị hoá.

Nhưng đi kèm với cái bếp củi dần mất đi, quá trình đô thị hoá tăng nhanh chóng mặt, thì sức khỏe của con người hiện đại cũng kém đi, bệnh tật cũng nhiều hơn. Có gì liên quan ở đây không ta?

Nhân một bạn gửi cho mình câu hỏi trên, nên chia sẻ để mọi người cùng tham khảo, góp ý bổ sung.

Các cụ đã dạy:

“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”

Ở đây có một ý rằng: người phụ nữ trong gia đình có vài trò rất quan trọng, người đàn ông có dựng được ngôi nhà, to lớn bằng nào, mà thiếu người phụ nữ chăm lo, vun vén thì ngôi nhà đó cũng chỉ như cái hộp bằng gạch, nó không có hơi ấm của gia đình.

Có người phụ nữ, cũng là có bếp, thì ngôi nhà mới có “hơi ấm”.

Đầu tiên là cảm nhận và quan sát của cá nhân mình, khi ăn cơm bằng bếp củi thấy cơm ngọt hơn, hạt gạo chín kỹ, nếu để cháy thì cháy giòn, giòn tan nếu ủ lâu, ăn xong cảm thấy dễ tiêu, không bị đầy bụng. Nấu cơm bằng nồi cơm điện nếu bật hai lần thì cũng có cháy, nhưng khó để giòn, nếu không muốn nói là không thể.

Thức ăn nấu bằng bếp củi cũng tương tự, ngọt hơn, thơm hơn, dễ ăn hơn…

Đun nước bằng củi, uống, pha trà cũng ngon hơn.

Luộc bánh chưng tại sao lại dùng củi mà không dùng điện, từ?

Bếp củi có thể giúp sưởi ấm, nhưng bếp điện, bếp từ thì không.

Các đồ gốm nung củi tạo ra những hoa văn độc đáo và khác biệt. Hiện nay gốm nung củi đang có giá cao hơn hẳn gốm nung ga, điện.

Trà sao củi, truyền thống cũng đắt hơn dòng cùng loại sao ga.

Bếp củi có thể nấu chín mọi thứ, bếp khác thì không hẳn.

Nếu chỉ quan tâm tới việc làm chín thức ăn, thì rất khó để phân biệt các loại bếp củi, than, ga, bếp điện, bếp từ. Nhưng nếu là người nấu ăn có kinh nghiệm sẽ biết cách tác động nhiệt để làm chín thức ăn của các loại bếp không giống nhau. Thậm chí loại củi khác nhau tác dụng khác nhau, tuỳ thuộc loại gỗ, kích thước cây gỗ, rồi củi gỗ khác, rơm rạ, cây cỏ, trấu…khác. Than thì than đá khác, than bùn khác…Chưa nói tới điện, từ.

Nếu tư duy theo năng lượng, thì lửa củi làm chín thức ăn bằng một dạng năng lượng khác với ga, điện, từ…

Tiếp theo, nấu bếp củi thì năng lượng của người nấu bỏ ra nhiều hơn. Ví dụ như nấu cơm, lúc đầu cần lửa to để cơm sôi mạnh, rồi phải đảo 1,2 lần cho gạo được ngấm đều, sau khi cạn thì chỉ cần âm ỉ để cơm chín dần…Nhưng nồi cơm điện thì chỉ cần nhấn cái công tắc là xong.

Nói chung máy móc chỉ mô tả lại cái hình thức bề ngoài mà không thể mô tả được nội hàm bên trong, cách thức vận hành thực sự của tự nhiên. Nó cũng giống như việc cho trẻ bú mẹ và ăn sữa công thức. Trẻ vẫn lớn nhưng chỉ là lớn về hình thể. Sức khỏe, trí tuệ và cảm xúc của một đứa trẻ được bú mẹ, được mẹ truyền yêu thương qua bầu ngực…nó khác với sữa công thức truyền qua cái bình. Sữa là máu của người mẹ. Còn sữa công thức là dinh dưỡng “công nghiệp”. Người ta có thể làm ra sữa mà không thể làm ra máu.

Cũng như vậy người ta có thể tạo ra năng lượng để nấu chín thức ăn bằng điện, từ, nhưng người ta không thể làm ra loại năng lượng giống như năng lượng từ lửa củi và lại càng không thể thay thế được năng lượng từ sự tận tâm, tình yêu…khiến món ăn đó trở lên ngon hơn, của người nấu món ăn đó.
——
Theo mình thì, bếp củi tốt nhất, rồi tới than, ga, điện, từ.
——
Lửa đã giúp loài người tồn tại từ thủa khai thiên lập, địa tới giờ. Không có lửa loài người sẽ bệnh tật rồi diệt vong.


Bà Vân – Ân cần chia sẻ