Chanh đường phèn là một công thức chữa trị các bệnh lý về đường hô hấp khá quen thuộc. Tuy nhiên không phải ai cũng sử dụng đúng cách chanh ngâm đường phèn để đem lại hiệu quả tốt nhất. Bài viết sau đây sẽ đưa ra một số lưu ý khi dùng cách làm này.

1. Chanh ngâm đường phèn
a, Nguyên liệu làm chanh ngâm đường phèn
Chanh ngâm đường phèn thực sự mang lại hiệu quả cho những bạn bị ho khi được sử dụng những nguyên liệu chất lượng và đảm bảo. Bạn nên chọn mua những nguyên liệu sạch để việc ngâm chanh với đường được tốt nhất. Vỏ chanh chứa nhiều tinh dầu, nên có tác dụng trị ho,viêm họng, cảm cúm, hạ sốt…Ruột chanh chứa hàm lượng đáng kể acid xi-tric (khoảng 8% khối lượng khô) nên rất có tác dụng phòng trị ho, khản tiếng. Khi ngâm với mật ong tăng hiệu quả trị ho hơn. Ngoài ra chanh chứa nhiều vitamin A, B1, B2, đặc biệt là vitamin C, có tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu, kháng viêm, tiêu độc…Nên sử dụng mật ong kết hợp chanh ngâm đường phèn để mang lại công dụng tốt hơn. Việc kết hợp 3 nguyên liệu này thực sự là hoàn hảo khi bạn đang mong muốn mau chóng “đánh bay” những cơn ho dai dẳng đấy.
Để có một lọ chanh ngâm đường phèn ngon nhất bạn cần những nguyên liệu với tỷ lệ như sau:
• Chanh: 1kg, chọn những quả chanh căng múi, sậm vỏ thì là chanh già quả, nhiều nước
• Mật ong: 0.8kg, nếu có thể tìm được thì tốt nhất là mật ong bạc hà, nếu không có thể dùng những loại mật ong khác
• Đường phèn: 0,4kg
• Muối tinh: 2 thìa
• Gừng tươi: 1 miếng
• Hũ thủy tinh: Nên dùng loại hũ 1/2 lít để dùng đến đâu mở đến đây, những lọ chưa dùng đến được bảo quản kín sẽ tốt hơn dùng 1 lọ lớn ngâm số lượng nhiều
• Miếng vỉ nén: có thể tự đan hoặc tìm một chiếc rổ cũ đã hỏng cắt miếng đế vừa với lọ
b, Cách làm chanh ngâm đường phèn
Cách ngâm chanh với đường phèn không quá khó, một hũ chanh ngâm đường phèn ngon và đảm bảo được công dụng của chúng thì bạn cần lưu ý những bước làm sau:
• Xếp 1 lớp đường mỏng và gừng thái sợi dưới đáy lọ
• Xếp chanh vào khoảng 3/4 lọ
• Xếp đường phèn chèn lên chanh, cách miệng lọ tầm 5cm
• Đổ mật ong vào lọ, với tỉ lệ này mật ong sẽ đủ bao kín chanh đào.
• Nén chặt bằng vỉ nén. Nếu không dùng vỉ nén thì phần đường phèn cũng đủ chèn chanh chìm xuống. Nhưng sau khi đường tan hết bạn sẽ phải thường xuyên lắc lọ để chanh ngâm đường phèn không bị nổi lên cho đến khi những miếng chanh đã ngấm đủ mật ông không nổi lên nữa.
c, Chanh ngâm mật ong đường phèn dùng như thế nào?
• Sau khi chanh đã ngấm mật ong, đường phèn tan hết, có thể giữ nguyên lọ để dùng cho người lớn. Nếu muốn dùng cho trẻ nhỏ, bạn có thể vớt chanh ngâm đường phèn ra, ép lọc hạt, sau đó cho vào máy xay nghiền nhuyễn phần chanh, rồi trộn đều với phần dung dịch đã thu được thành một hỗn hợp sánh.
• Chanh ngâm đường phèn có thể sử dụng cho trẻ từ trên 1 tuổi để phòng hoặc chữa ho do nhiễm lạnh. Nếu để phòng tránh cách bệnh, bạn có thể cho trẻ dùng mỗi sớm 1-2 thìa cà phê đã hâm ấm. Khi trẻ bị ho do nhiễm lạnh, có thể dùng 3-4 lần mỗi ngày, mỗi lần 1-2 thìa ấm chanh ngâm đường phèn.Người lớn cũng có thể dùng hàng ngày hoặc khi bị ho với liều lượng khoảng 3-4 thìa cà phê mỗi lần hỗn hợp chanh ngâm đường phèn.

2. Chanh chưng đường phèn
a, Nguyên liệu
• 500 gram quả chanh: Nên chọn những quả chín, mọng nước.
• 150 gram đường phèn: Đường phèn bạn có thể mua ở chợ hoặc siêu thị.
b, Cách làm
Cắt lát quả chanh: Sau khi rửa sạch vỏ (có thể ngâm nước muối 5 – 10 phút) bạn cắt lát quả, loại bỏ hết hạt. Bạn có thể loại bỏ hạt dễ dàng để giúp sau khi chưng không bị đắng.
Chưng với đường phèn: Cho chanh đã bỏ hạt và đường phèn vào nồi chưng, trộn đều.
Nếu không có nồi chưng chuyên dụng, bạn có thể hấp trong nồi cơm (ngay khi cơm cạn nước) hoặc chưng cách thủy.
Sau khi chưng 30 – 60 phút ( tùy thuộc phương pháp chưng ), bạn quan sát nước trong nồi chưng có nhiều, màu vàng sệt, đường phèn tan hết, vỏ chanh chuyển thành màu vàng trong là có thể tắt lửa và sử dụng.
c, Cách sử dụng
Gạn lấy 1 muỗng nhỏ nước trong nồi chưng, có thể hòa với một ít nước ấm, mỗi ngày sử dụng 2 – 3 lần.
Sử dụng cho người lớn: Lấy cả phần nước và phần quả chanh để dùng, lượng dùng gấp 2 lần trẻ nhỏ ( từ 5 – 6 quả mỗi ngày ).
Sử dụng mỗi ngày: Khi sử dụng chanh chưng đường phèn nên dùng trong thời gian ngắn, vì để lâu sẽ dẫn tới hiện tượng đắng, làm mất công dụng. Nếu sử dụng cho trẻ, mỗi ngày chưng và dùng.
Cách làm chanh chưng đường phèn có tác dụng hỗ trợ phòng và điều trị ho trong thời kỳ đầu của bệnh, nếu bệnh nặng cần tham khảo ý kiến bác sỹ để có các phương pháp điều trị hiệu quả nhất.


3. Chanh muối đường phèn
a, Nguyên liệu
• Chanh tươi: 2kg
• Muối trắng hạt to: 1kg
• Phèn chua: 2 muỗng cà phê
• Hũ thủy tinh sạch có nắp kín, đã tráng qua nước sôi và để khô
b, Cách làm chanh muối đường
Nên dùng chanh già tươi và mọng nước. Sau đó khử đắng cho chanh bằng cách dùng kim châm nhẹ bề mặt quả chanh. Rải muối mỏng đều lên một bề mặt rổ. Lăn chà chanh nhẹ tay để không bị nát mà vẫn ra được những tinh chất chanh gây đắng. Lăn đến khi thấy vỏ chanh nhạt phần xanh đi, muối chuyển sang màu xanh.
Bước 1: Rửa sạch chanh, sau đó trần sơ qua nước sôi khoảng 3-5 phút rồi để ráo nước.
Bước 2: Muối trắng đem đun sôi trong 1,5 lít nước, rồi để nguội
Bước 3: Cho chanh vào hũ, sau đó cho phần nước muối để nguội vào, đậy kín nắp, để ngoài nắng khoảng 1 tuần đến 10 ngày thì cất vào nơi khô mát. Món chanh muối này càng để lâu càng keo sánh càng tốt. Ngâm chanh muối từ một tháng trở lên là có thể dùng được. Tuy nhiên thời gian khuyên dùng sớm nhất là 3 tháng sau khi ngâm
Cách dùng khá dễ dàng, bạn có thể dầm một quả chanh trong ly, sau đó cho thêm một ít đường và một muỗng nước chanh muối, rồi cho thêm một ít nước ấm (hoặc nước đá) khuấy đều là có thể dùng được.

4. Chanh đường phèn có công dụng gì?
• Tác dụng của chanh
Chanh từ lâu đã trở thành thực phẩm quen thuộc trong các gian bếp của nhiều gia đình. Bên cạnh khả năng góp phần giúp chị em làm đẹp, cải thiện vóc dáng, phát huy công dụng trong nhà bếp, vệ sinh nhà cửa, chanh tươi còn có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Chanh chứa nhiều vitamin A, B1, B2, đặc biệt là vitamin C, có tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu, kháng viêm, tiêu độc, giúp cơ thể tiêu hóa tốt, tăng sức đề kháng cơ thể, chữa các vấn đề về răng miệng, trị viêm họng, cải thiện đường hô hấp…
• Tác dụng của đường phèn
Từ xưa đến nay, đường phèn luôn có tác dụng bổ dưỡng tốt hơn đường trắng nên dùng đường phèn bào chế các dạng cao bổ dưỡng như ngân nhĩ, long nhãn. Đường phèn bổ trung ích khí, hoà vị, nhuận phế, chỉ khái, trừ đàm. Thường được dùng làm gia vị, khai vị trợ tiêu háo. Chanh đường phèn là một trong những nguyên liệu trị: viêm khí phế quản ho khan ít đờm, đau rát họng, khí huyết hư, chóng mặt, đau đầu. Đường phèn tuy vị rất ngọt nhưng dược tính bình hòa nên hạn chế được tác dụng lưu thấp sinh đàm hoá nhiệt.
Mỗi một nguyên liệu đều có những công dụng riêng và khi kết hợp lại với nhau làm giảm thiểu tối đa những bệnh lý về đường hô hấp. Chanh và đường phèn đều có công dụng khi chữa trị các bệnh lý về hô hấp. Thông thường, người ta thường ngâm chanh và đường phèn để lấy nước uống mỗi ngày khi muốn chữa ho. Nhưng bên cạnh đó, cách dùng chanh chưng đường phèn được sử dụng luôn sau khi thực hiện và cũng đem lại nhiều hiệu quả bất ngờ. Bạn cũng có thể dùng chanh chưng mật ong thay cho đường phèn để giảm các triệu chứng ho.

5. Những chú ý khi dùng chanh đường phèn
Đối với người lớn: Ngày uống 3-5 lần, mỗi lần 5-10 ml, có thể kết hợp nhai lát chanh và ngậm khoảng 10-15 phút rồi nuốt.
Với trẻ trên 1 tuổi: uống 3-5 lần, mỗi lần 3-5 ml. Với những trẻ trên 3 tuổi, có thể kết hợp xay nhỏ lát chanh cho bé nhai và ngậm.
Với trẻ dưới 1 tuổi: Dùng chanh đào ngâm đường phèn. Theo như lời khuyên của bác sĩ, em bé dưới 1 tuổi chưa nên dùng mật ong.
Dùng chanh đường phèn để giảm cân: pha nước chanh đào mật ong với, bạn tự điều chỉnh độ ngọt theo khẩu vị và dùng trà. Chú ý không nên nhịn ăn mà hãy giảm khẩu phần ăn từ từ.
• Bạn nên chọn mua nguyên liệu đảm bảo uy tín và chất lượng để khi thực hiện các cách làm với chanh đường phèn đem lại hiệu quả tốt nhất và đảm bảo sức khỏe khi sử dụng.
• Nên kết hợp dùng mật ong khi dùng chanh chưng hoặc ngâm với đường phèn. Bởi mật ong giúp tăng kháng thể, chống lại sự mệt mỏi, rất tốt trong việc trị các bệnh về hô hấp, làm đẹp da, chống mất ngủ… Mỗi nguyên liệu đều có công dụng tốt cho việc điều trị ho khan, ho có đờm, ho lâu ngày,…
• Bên cạnh việc sử dụng chanh đường phèn, bạn cũng nên cải thiện chế độ ăn uống và sinh hoạt, tránh tiếp xúc với thời tiết giá lạnh gây ảnh hưởng đến đường hô hấp. Bạn nên có những biện pháp phòng hơn là chống đối với những bệnh lý này.

6. Sai lầm cơ bản trong việc ngâm chanh đường phèn
• Ngâm hoặc chưng, muối chanh với đường phèn trong hũ nhựa: Theo các chuyên gia, nếu ngâm các loại hoa quả như chanh, mơ…trong hũ nhựa thì axit có trong quả sẽ phản ứng với chất dẻo của nhựa tạo thành chất độc. Hơn nữa một số loại nhựa bán trên thị trường hiện nay đều là nhựa tái chế không tốt cho sức khỏe.
• Sử dụng vỉ nén bằng nhựa hoặc gỗ công nghiệp: Trong gỗ công nghiệp có chứa formaldehyde, được sinh ra trong quá trình sử dụng công nghệ ép nóng ở nhiệt độ cao để ép bột gỗ và bột nhựa tạo thành tấm HDF.

7. Trường hợp nào không nên sử dụng chanh đường phèn?
• Theo các bác sĩ chuyên khoa, không phải ai cũng có thể sử dụng được chanh đường phèn. Bởi vì chanh có tính chua, không thích hợp với những người bị viêm loét dạ dày, các bệnh về thận và túi mật…vị chua của chanh sẽ tăng tiết axit trong dạ dày…
• Những người có chứng ợ nóng cũng không nên uống nhiều nước chanh vì sẽ gây kích thích ợ nóng.
Chanh đường phèn là cách làm không còn quá xa lạ với mọi người. Nếu bạn biết cách sử dụng phương pháp này, bạn sẽ cải thiện được sức khỏe khi mắc những bệnh lý liên quan về đường hô hấp, lại vừa an toàn tuyệt đối.

Nguồn: hocam.ichnhi.vn