1. Bệnh thủy đậu là gì?

Bệnh thủy đậu là một dạng bệnh nhiễm trùng da, gây ra bởi loại virus có tên là Varicella Zoster (VZV) khiến người bệnh có các biểu hiện nổi bong bóng nước trên da và niêm mạc, cơ thể suy nhược, mệt mỏi, sốt cao.

Bệnh có thể lây nhiễm từ người này sang người khác thông qua nhiều phương thức khác nhau và có nguy cơ trở thành đại dịch nếu không ngăn chặn kịp thời. Hầu hết người mắc thủy đậu đều có các biểu hiện lành tính, có thể khỏi bệnh sau 1-2 tuần điều trị. Tuy vậy một số trường hợp biến chứng có thể phát sinh thành các chứng viêm não úng thủy đậu, xuất huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan…

Hàng năm có đến hơn 3 triệu người mắc bệnh thủy đậu và thường xuất hiện thành dịch từ tháng 3 đến tháng 6 sau đó xuất hiện rải rác khi thời tiết đổi mùa, độ ẩm không khí cao, các loại vi khuẩn vi rút phát triển mạnh và dễ dàng phát tán trong không khí. Bệnh có khả năng xuất hiện ở bất kì độ tuổi nào trong đời người. Trong đó tỷ lệ trẻ em dưới 13 tuổi mắc nhiễm bệnh chiếm đến 90%, đặc biệt xuất hiện nhiều giai đoạn từ 4 – 9 tuổi. 10% còn lại là các bệnh nhân từ độ tuổi 15 trở lên, với các biểu hiện lâm sàng tương tự như trẻ nhỏ.


Ảnh: internet

  1. Nguyên nhân gây bệnh thủy đậu

Như đã nói ở trên, thủy đậu xuất hiện do cơ thể bị nhiễm phải virus Varicella Zoster. Đây là loại virus gây ra các chứng bệnh thủy đậu, zona, chốc lở… và có khả năng lây lan nhanh bằng nhiều cách khác nhau. Địa điểm trú ngụ của loại virus này là ở trong các bong bóng nước trên da người bệnh. Nếu tiếp xúc với phần dịch ở trong bong bóng nước, khả năng lây nhiễm bệnh cho người khác là rất cao.

Cụ thể bệnh thủy đậu có thể lây nhiễm thông qua các con đường:

– Người chưa có kháng thể miễn dịch với virus Varicella Zoster khi tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu có thể bị lây nhiễm qua đường hô hấp. Do virus sẽ đi theo các bọt nước trong khoang miệng bệnh nhân thủy đậu lúc ho, hắt hơi, nói chuyện… lẫn vào trong không khí.

– Sử dụng chung vật dụng cá nhân như khăn mặt, bàn chải đánh răng, ăn uống chung….

– Chạm phải chất dịch ở trong các nốt bong bóng nước trên da bệnh nhân thủy đậu, tiếp xúc với quần áo, khăn mặt, vật dụng làm việc có dính chất dịch từ da bệnh nhân thủy đậu.

  1. Triệu chứng bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu có thời kì ủ bệnh từ trước đó 10-20 ngày và dần có các dấu hiệu phát ban, nổi mụn nước, sốt cao, mệt mỏi trong 7-8 ngày tiếp theo. Thời gian hồi phục sau khi bị bệnh thủy đậu khá nhanh, chỉ từ 3-4 ngày các nốt mụn sẽ đóng vảy và lên da non trở lại.

Triệu chứng thường gặp ở các thời kì:

  • Thời kì ủ bệnh

Kéo dài từ 10-20 ngày sau khi virus Varicella Zoster xâm nhập và không có các biểu hiện lâm sàng cụ thể.

  • Thời kì khởi phát

Bệnh nhân bắt đầu có các biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, phát ban nhẹ từ 24-48 giờ.

  • Thời kì toàn phát (6-7 ngày)

– Dần xuất hiện các nốt mụn nước nên còn được gọi là thời kì đậu mọc, với các biểu hiện:

– Sốt, đau đầu, đau cơ, cơ thể mệt mỏi…

– Có thể xuất hiện hạch sau dái tai, cổ do hệ miễn dịch sinh ra phản ứng với loại virus lạ xâm nhập.

– Xuất hiện các nốt mụn nước, bong bóng nước hình tròn (còn gọi là nốt rạ) trên da và niêm mạc ở khắp toàn thân, rải rác tại tay, chân, lưng, mặt… Trong các bong bóng nước có chứa dịch trong, sau 24 giờ xuất hiện thì hóa đục và có thể lan rộng trên da nếu nốt mụn bị vỡ phần dịch. Ngoài ra bong bóng nước cũng có thể mọc tại các vùng niêm mạc ở miệng, đường tiêu hóa, đường tiết niệu, âm đạo… gây khó chịu. Một số trường hợp xuất hiện mụn nước dạng xuất

  • Thời kì hồi phục

Sau 7-9 ngày phát bệnh, các nốt mụn, bong bóng nước sẽ vỡ ra, khô lại và đóng vảy. Các nốt mụn khi đóng vảy nên kết hợp sử dụng thêm thuốc bôi ngoài da đặc trị để giúp quá trình tróc vảy nhanh hơn và hạn chế khả năng để lại sẹo thâm, sẹo rỗ.

Thời kì hồi phục kéo dài liên tục 3-4 ngày cho đến khi làn da trở lại bình thường và cơ thể dần khỏe mạnh hơn. Trong giai đoạn này nếu việc hồi phục bị hạn chế và có những biểu hiện lạ thì nên tìm gặp bác sĩ ngay lập tức để ngăn ngừa các nguy cơ biến chứng.

  1. Phân biệt bệnh thủy đậu với các chứng bệnh khác

Nhìn chung, bệnh nhân thủy đậu có một số biểu hiện về da tương tự như các chứng bệnh đậu mùa, zona, chốc lở hay tay chân miệng ở trẻ em, gây ra các khó khăn khi phân biệt.

Phân biệt bệnh thủy đậu với bệnh đậu mùa

– Virus gây bệnh đậu mùa là Varioka, còn virus gây thủy đậu là Varicella Zoster.

– Bệnh thủy đậu có khả năng truyền bệnh từ giai đoạn ủ bệnh, chưa xuất hiện các nốt mụn. Trong khi bệnh đậu mùa chỉ có khả năng lây lan từ khi xuất hiện mụn cho đến khi hết hẳn các nốt mụn.

Vị trí nổi mụn của bệnh thủy đậu và đậu mùa

– Bệnh nhân đậu mùa khi phát bệnh thường có các chấm nhỏ trên lưỡi và miệng, trong khi bệnh nhân thủy đậu thì không.

– Các nốt mụn của bệnh đậu mùa xuất hiện rải rác toàn thân. Các nốt mụn của bệnh thủy đậu chỉ tập trung nhiều ở phần thân trên, lưng, cánh tay người bệnh…

Phân biệt bệnh thủy đậu với chốc lở

– Bệnh chốc lở xuất hiện do nhiễm trùng các vết thương trên da như trầy xước, ghẻ, chàm, dị ứng, không xuất hiện bởi loại virus nguy hiểm và không có khả năng lây lan.

– Mụn bong bóng nước do chốc lở xuất hiện, hóa đục, đóng vảy và lên da non, không có nguy cơ bị lây lan rộng trên da như thủy đậu.

Phân biệt bệnh thủy đậu với bệnh tay chân miệng

– Bệnh tay chân miệng lây nhiễm bởi nhiễm virus đường ruột, chỉ xuất hiện ở trẻ nhỏ.

– Biểu hiện ở bệnh tay chân miệng là các nốt mụn nước nhỏ ở trong khoang miệng, khắp tay chân kèm theo các biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy…

  1. Biến chứng bệnh thủy đậu

Tỷ lệ các ca nhiễm thủy đậu hầu hết đều có các biểu hiện lành tính. Tuy vậy, những biến chứng của bệnh vẫn có thể xảy ra, có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng nếu không điều trị kịp thời.

Các loại biến chứng thủy đậu được chia thành 2 nhóm sớm và muộn:

Biến chứng sớm

– Nhiễm trùng da, mô mềm với các tình trạng bội nhiễm (bong bóng nước vỡ, lan rộng), thủy đậu xuất huyết (các nốt mụn nước lớn có mủ máu bên trong)

– Viêm phổi thủy đậu: Thường gặp ở người lớn, thời điểm ngày thứ 3-5 của bệnh với các biểu hiện ho nhiều, đau tức ngực, khó thở, sốt và thậm chí ho ra máu. Một số trường hợp nguy hiểm có thể dẫn đến tình trạng phù phổi, tràn dịch màng phổi.

– Viêm màng não: Là một trong những biến chứng thần kinh thường gặp, có thể tử vong ở người lớn do cơ thể bị tấn công bởi loại virus tác động trực tiếp đến não bộ. Biến chứng có thể xuất hiện sau khi nổi bong bóng nước 1 tuần, với các biểu hiện sốt cao, hôn mê, rối loạn tri giác, rung giật nhãn cầu, co giật.

– Viêm gan: Biến chứng này khá hiếm gặp và không có biểu hiện lâm sàng rõ rệt, gây ra nhiều khó khăn khi phát hiện bệnh. Những biểu hiện thường thấy của biến chứng này là buồn nôn, khó tiêu, suy giảm hệ miễn dịch…

– Hội chứng Reye: Đây là hội chứng bệnh lý về gan và não biến chứng từ quá trình bị thủy đậu. Xảy ra do tự ý sử dụng aspirin để điều trị hạ sốt, giảm đau cho trẻ nhỏ khi bị thủy đậu. Các triệu chứng xuất hiện là luôn cảm thấy lo âu, bồn chồn, một số trường hợp nghiêm trọng có thể rơi vào hôn mê sâu, co giật do phù não, vàng da, gan phình to, xuất huyết nội tạng.

– Biến chứng thủy đậu khi đang mang thai: Thai phụ mắc thủy đậu từ 5 ngày trước khi sinh hoặc 2 ngày sau khi sinh, con sinh ra có nguy cơ bị nhiễm thủy đậu và tử vong cao.

Biến chứng muộn

Khá hiếm gặp và chỉ thường xuất hiện từ sau khi lành thủy đậu một thời gian dài. Với các biến chứng: Hội chứng Guillain-Barré, Bệnh zona thần kinh, Viêm da, Viêm võng mạc, Viêm phổi.

ĐIỀU TRỊ VÀ HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ BỆNH THỦY ĐẬU

Để hạn chế tới mức thấp nhất khả năng bị bệnh mọi người nên sử dụng khẩu trang ở chỗ đông người, nâng cao đề kháng của cơ thể thông qua chế độ dinh dưỡng, luyện tập và vệ sinh cá nhân sạch sẽ nên sử dụng các loại thảo mộc mát da, kháng khuẩn hoặc tắm bằng nước muối pha loãng. Nếu đã bị bệnh cần theo dõi tiến triển, trường hợp nghiêm trọng nên có sự tham khảo ý kiến của bác sĩ và chuyên gia y tế, với các trường hợp thông thường bệnh nhân có thể tự điều trị tại nhà mà không cần sử dụng thuốc:

– Nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, sạch sẽ, kín gió, cách ly với người thân chưa bị bệnh thủy đậu trong gia đình.

– Đảm bảo giữ gìn vệ sinh thân thể, không dùng xà bông khi tắm và chỉ nên tắm rửa bằng dung dịch sát khuẩn, hạn chế cọ xát có thể làm các nốt bong bóng nước vỡ.

– Mặc các loại quần áo rộng rãi, nhẹ, mỏng để tránh ảnh hưởng đến các nốt mụn nước.

– Cắt ngắn móng tay, giữ tay sạch sẽ để tránh gây tổn thương đến các nốt mụn nước.

  1. Sử dụng thuốc bôi ngoài da

– Sử dụng dung dịch thuốc tím bôi lên các nốt mụn nước để kháng viêm, nhiễm trùng.
– Khi các nốt mụn nước vỡ, không nên để phần dịch nước này lan ra các vùng da còn lại. Tiếp tục sử dụng dung dịch xanh methylen, không nên dùng các loại thuốc vôi mỡ tetraxiclin, mỡ penixilin hay thuốc đỏ.

– Nhỏ mắt ngày 2-3 lần dung dịch sát khuẩn cho mắt, mũi như chloramphenicol 0,4% hoặc acgyrol 1%.

– Trường hợp bệnh nhân nhân sốt cao có thể sử dụng acetaminophen để hạ sốt nhưng cần hỏi ý kiến bác sĩ từ trước. Tuyệt đối không sử dụng aspirin, các loại thuốc có chứa thành phần aspirin, đặc biệt là cho trẻ em để tránh gây biến chứng.

– Nếu các nốt mụn dần đóng vảy, lên da non và ngứa nhiều thì có thể sử dụng kem trị dị ứng như calamine, bột yến mạch dạng keo. Các loại thuốc bôi da trị ngứa có chứa phenol tuyệt đối không dùng cho các bệnh nhân là trẻ em dưới 6 tháng tuổi và phụ nữ mang thai

 Sử dụng thuốc bôi ngoài da
Ảnh: Internet

  1. Hỗ trợ điều trị bằng thảo mộc

* Cây Kinh Giới: Đây là loại gia vị sẵn có trong vườn nhà, hoặc có thể tìm mua ngoài chợ rất dễ dàng. Cách làm đơn giản như sau: lá kinh giới khoảng 3-4 nắm to người lớn, rửa sạch rồi sắc với 3 bát nước cho đến khi cô lại. Cho người bệnh uống ngày 3 lần sau bữa ăn.
Dùng tắm: Sử dụng khoảng 100g kinh giới đem rửa thật sạch, sau đó đun cùng với ba lít nước trong thời gian 30 phút, tiếp đến bạn pha thêm với nước sạch để cho nước ấm. Sử dụng khăn mềm lau người hoặc tắm nếu như thủy đậu đã bay hết.

* Tre

Đây là loại lá có tác dụng giúp giảm bớt tình trạng ngứa ngáy, khó chịu khi bị bệnh thủy đậu. Bạn có thể lấy một nắm lá tre, rửa lá thật sạch sẽ, sau đó cho vào nồi đun với khoảng ba lít nước cho tới khi sôi. Pha nước này cùng với nước sạch để tắm và lau người sẽ giúp cho triệu chứng bệnh thuyên giảm nhanh chóng.

* Sầu Đâu

Sử dụng lá sầu đâu khoảng 300g, rửa sạch rồi đun với nước trong vòng 30 phút. Pha nước này với nước lạnh để cho ấm rồi tắm. Đây là loại lá tắm có tác dụng hiệu quả trong việc giảm ngứa, đồng thời giúp những tổn thương ở da được hồi phục nhanh chóng hơn.

Ngoài các loại trên có một loại cây được ghi nhận trong việc thúc đậu sởi mọc nhanh để rút ngắn quá trình bị bệnh đó là cây rau mùi (ngò rí). Bạn có thể sử dụng cây tươi hoặc dùng hạt khô, tinh dầu đều hiệu quả

* Rau mùi và tinh dầu mùi già

Trong Đông y, rau mùi có vị cay, tính ấm, có tác dụng trị cảm cúm, kích thích tiêu hóa, thúc các nốt sởi đậu mọc nhanh… Thành phần trong rau mùi gồm: 93,3% nước, 2,6% protit, 0,7% gluxit, 1,8% xenluloza, nhiều loại vitamin và đặc biệt là có đến 140mg% vitamin C.

Tinh dầu rau mùi có chứa các chất linalola (coriandrola), d-pinen, limonene, tecpinen, mycxen, phelandre, và geranola,… khả năng kháng khuẩn cao, mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ như giảm đau, giảm chuột rút, co giật, giảm buồn nôn, hỗ trợ tiêu hóa và điều trị các nhiễm trùng do nấm,…
Cách dùng:
– Đường ăn: Lấy 30g rau mùi, thái vụn. Ninh gạo tẻ thành cháo rồi bỏ rau mùi vào, chia ăn nhiều lần trong ngày, dùng trong trường hợp các nốt ban ở giai đoạn mới phát.
– Dùng để sát khuẩn không khí: Dùng 2-3 giọt cho vào đèn xông giúp tinh dầu khuếch tán, hạn chế sự phát triển vi khuẩn trong không gian
– Dùng ngoài da: thêm 1-2 giọt vào nước tắm giúp sát khuẩn da, có thể pha 1-2 giọt tinh dầu cùng rượu trắng, xịt đều quanh da giúp đậu sởi mọc ngay đẩy nhanh quá trình phát bệnh, giúp rút ngắn thời gian phục hồi

  1. Chế độ dinh dưỡng

– Đảm bảo xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, bổ sung thêm nhiều loại rau tươi, trái cây trong các bữa ăn hằng ngày. Tăng cường cung cấp vitamin A, C và bio-flavonoid bằng các loại rau củ như cải bắp, cà rốt, dưa chuột, bông cải, giá sống… để hỗ trợ làm lành nhanh các nốt mụn nước thủy đậu. Bổ sung các loại thực phẩm giàu kẽm, magie, canxi… để kích thích hệ miễn dịch.

– Nên ăn các dạng thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa, vị thanh đạm, không nêm nếm quá cay hoặc mặn.

– Uống nhiều nước mỗi ngày, kết hợp bổ sung uống thêm các loại nước ép hoa quả. Một số loại thức ăn, đồ uống mặn như sữa chua, trái cây làm mát… giúp giảm bớt sự khó chịu trong cổ họng.

* Các thức ăn nên kiêng:

– Tránh ăn các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, có quá nhiều chất bổ.

– Kiêng ăn các loại thịt có tính ôn, nóng như thịt gà, thịt chó có thể khiến bệnh thủy đậu thêm nghiêm trọng.

– Không ăn hải sản bởi có chứa nhiều chất histamine, gây dị ứng, ngứa nhiều.

– Không dùng sữa, phô mai, kem, bơ có thể khiến da bị nhờn, ngứa.

– Không dùng cam, chanh, cà phê, sô cô la bởi tính axit cao của 2 loại quả này có thể gây ngứa.

– Tránh các món ăn làm từ nếp như xôi, bánh chưng… bởi có thể làm sưng, mưng mủ các nốt thủy đậu nhiều hơn.

– Không ăn đậu phộng, các loại hạt, nho khô… bởi hàm lượng arginine cao có thể khiến virus thủy đậu phát triển nhiều hơn.

  1. Trong quá trình điều trị, cần lưu ý kiêng cữ những điều sau

– Hạn chế tiếp xúc với nhiều người, đi đến các khu vực công cộng có thể tăng khả năng lây bệnh.

– Tuyệt đối không được gãi các nốt mụn nước, không dùng tay làm vỡ và dây phần dịch ở trong mụn nước ra các vùng da khác.

– Nên mặc kín đáo khi ra gió, hạn chế để cơ thể bị nhiễm lạnh khi bị thủy đậu, đặc biệt là ở trẻ nhỏ bởi nguy cơ biến chứng thủy đậu cao.

– Nhận thấy bệnh nhân có các biểu hiện sốt cao liên tục, lừ đừ, mệt mỏi, co giật, hôn mê, xuất huyết thì nên đưa ngay đến bệnh viện để được kiểm tra kĩ lưỡng.