Vừa sản xuất tinh dầu, vừa chuyển giao công nghệ cho những người có cùng đam mê trên khắp mọi miền đất nước, từ nhiều năm nay, cái tên Lê Quế đã không còn xa lạ đối với cả những người chế xuất và người sử dụng tinh dầu ở Việt Nam.

Mong muốn được trò chuyện cùng nhân vật đặc biệt này, nhóm phóng viên đã tìm đến ngôi nhà của ông Quế tại xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Chúng tôi thật sự bất ngờ vì không nghĩ rằng nơi ở của một doanh nhân thành đạt lại giản dị và đậm chất nông thôn đến thế. Ngoài ngôi nhà khang trang và khu chế xuất tinh dầu, 2000 m2 đất nhà ông Quế được sử dụng để trồng trọt, chăn nuôi phục vụ nhu cầu của gia đình.

 Ngay khi bắt đầu trò chuyện với nhóm phóng viên, ông Quế thân thiện mở lời: “Không quan trọng việc các bạn có viết báo về tôi hay không, chúng ta hãy cứ trò chuyện như những người bạn, những người có cùng mục tiêu hướng tới lối sống xanh, thuận tự nhiên”.

Doanh nhân – kỹ sư không bằng cấp

Giới thiệu về bản thân mình, ông Lê Quế thẳng thắn chia sẻ “Tôi xuất phát là một người không có bằng cấp, chưa học hết bậc PTTH.Thế nhưng, việc lăn lộn với cuộc sống đã mang lại cho tôi nhiều kiến thức quý báu”.

Ông Quế cho biết bản thân sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm kinh doanh từ thời bao cấp. Mẹ mất sớm, ngay khi còn nhỏ, ông đã phải lăn lộn với rất nhiều công việc khác nhau để kiếm tiền: Từ cuốn thuốc lá, bơm vá xe, bán lạc rang đóng túi, cho đến buôn nước mắm… Khi trưởng thành, ông khởi nghiệp với nghề in, và sau đó trồng nấm, song cả hai đều thất bại.

Nhờ có mẹ làm nghề bốc thuốc đông y gia truyền, ông Quế đã am hiểu về nhiều loại cây cỏ ngay từ khi còn bé. Cách đây 9 năm, nhận thấy xu hướng của con người là quay trở về với thiên nhiên, nguồn cội, ông bắt tay vào sản xuất và bán tinh dầu.

“Cuộc sống với tôi khi ấy chỉ có hai ngã rẽ: Một là tồn tại, hai là chết. Muốn tồn tại thì phải bứt phá”, ông Quế chia sẻ

Dựa trên kỹ thuật chưng cất tinh dầu mà con người đã sử dụng từ hàng trăm năm nay, ông Quế quyết định tìm tòi để tạo ra một cỗ máy cải tiến hơn, giúp giảm chi phí sản xuất và tăng lượng tinh dầu thu được.

“Từ kinh nghiệm của một người lao động trực tiếp sản xuất, tôi biết cần phải cắt đoạn nào ra và thêm đoạn nào vào để giảm nhân công, chất đốt và giảm thời gian thu tinh dầu… Cộng thêm những kiến thức được học trong môn vật lí lớp 7, tôi bắt đầu vẽ ra những ý tưởng của mình, sau đó thuê người ở xưởng cơ khí gia công cho mình”.

Cỗ máy đầu tiên được ông Quế cải tiến tuy mộc mạc nhưng đã cho thấy hiệu quả đáng nể, vừa cho ra nhiều tinh dầu hơn, vừa tái tạo được chất thải thành chất đốt cho quá trình thu tinh dầu. Sau đó, được sự ủng hộ của bạn bè, ông quyết định tìm tòi nhiều hơn và tiến hành chuyển giao công nghệ của mình cho những người có nhu cầu, song song với việc sản xuất sản phẩm tinh dầu Lê Quế.

Kinh doanh theo kiểu “chắc rễ bền cây”

Sau 8 năm gắn bó với nghề làm tinh dầu, đến nay, những cỗ máy chưng cất tinh dầu, nấu cao thảo mộc… mang thương hiệu Lê Quế đã có mặt ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam, đem lại thành công cho nhiều người khởi nghiệp từ thảo mộc. Sản phẩm tinh dầu Lê Quế cũng khá nổi tiếng ở trong nước, và vươn ra cả thị trường nước ngoài theo hình thức xuất buôn, với hàng chục xưởng sản xuất đặt tại Lương Sơn, Kim Bôi (Hòa Bình), Bát Xát (Lào Cai), Phú Lương (Thái Nguyên), Phong Điền (Huế)… Hiện tại “ông trùm” tinh dầu đang phát triển thêm dòng sản phẩm mới là hoa quả sấy khô.

Ông Quế dành một phần trong khuôn viên nhà mình để làm nơi chế tác máy móc và chế xuất một số loại tinh dầu giá trị cao

Thành công là vậy, nhưng rất hiếm khi chúng ta thấy các sản phẩm mang thương hiệu Lê Quế được quảng cáo một cách rầm rộ. Giải thích về điều này, ông Quế cho biết, bản thân không chọn cách bỏ tiền ra để PR sản phẩm. Thay vào đó, ông không ngừng hoàn thiện chất lượng sản phẩm, đồng thời dùng chính những hiểu biết, kinh nghiệm của mình để chia sẻ với mọi người, từ đó đưa thương hiệu Lê Quê đến gần hơn với khách hàng.

“Mặc dù không được học hành nhiều, nhưng tôi may mắn được tiếp xúc với internet, điện thoại di động từ rất sớm. Ngay khi bắt tay vào làm tinh dầu, tôi đã tự xây dựng website tinhdauvietnam.net, tinhdauleque.com và hiện nay mạng xã hội như facebook cũng là phương tiện tốt để tôi đưa sản phẩm của mình đến với nhiều người hơn”

Thông qua các kênh thông tin nói trên, ông Quế sẵn sàng chia sẻ những hiểu biết về công nghệ chế xuất, về các loại thảo mộc, cũng như kinh nghiệm sống xanh, sống hữu cơ… của bản thân mình với bất cứ ai thật lòng quan tâm đến chúng.

“Mặc dù cách tôi viết và trình bày mọi thứ đều rất mộc mạc đơn sơ, nhưng tôi tin rằng mình đã khiến cho mọi người nhận ra cái tâm và năng lực của một người làm tinh dầu tên là Lê Quế”.

Quả thật vậy, chất lượng sản phẩm và cái tâm của người kinh doanh chính là 2 yếu tố kết nối thương hiệu và khách hàng một cách bền chặt nhất.

Làm việc vì đam mê, và “cho đi thì sẽ được nhận lại”

Tâm sự về cuộc sống riêng của mình, ông Quế nói “Suốt những năm tháng tuổi trẻ phấn đấu hết mình, đến nay ở tuổi 49 tôi có thể thoải mái từ bỏ mọi thứ để về vui thú điền viên mà không cần lo lắng gì về tài chính”

Ông cũng chia sẻ rằng, bản thân mình là người bất hạnh, bị khiếm khuyết một phần cơ thể. Nhiều bạn bè vẫn thường khuyên ông từ nay chỉ cần hưởng thụ cho bản thân mình.

Ông Quế luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm của mình cho bất cứ ai quan tâm, với tâm niệm “cho đi thì sẽ được nhận lại”.

“Nhưng tôi không thích như vậy. Công việc là niềm đam mê của tôi. Làm việc chính là cách hay nhất để tôi luôn sống khỏe mạnh, sống có ích và không sa đà vào một cách sống thụ động, kém lành mạnh”, ông Quế nói.

Nhìn lại 8 năm gắn bó với tinh dầu, ông Quế cho rằng đó không phải quãng thời gian quá dài, nhưng là một hành trình khá xa. Trong đó, bản thân ông chỉ là người kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống của nhân loại, chứ không phải người sáng chế.

“Sau từng ấy năm, tôi chiêm nghiệm được rằng: Cho đi thì sẽ được nhận lại. Đó là một quan điểm đúng đắn! Mỗi lần nhận lời đi chia sẻ kinh nghiệm tại các trường đại học, các nhà máy, hoặc các hộ gia đình làm tinh dầu là một lần tôi học được thêm nhiều thứ. Khi giúp người khác giải quyết những lỗi sai hay vướng mắc, tôi lại thu về nhiều bài học hoặc ý tưởng mới mẻ hơn. Đó là những gì tôi được nhận lại, nó nhiều hơn hết thảy những gì tôi đã cho đi”.

Ngoài thóc gạo không tự trồng được, gia đình ông Quế tự cung tự cấp hầu hết nguồn thực phẩm hàng ngày

Đúng với triết lý “cho đi thì sẽ được nhận lại”, ông Quế tỉ mỉ giải đáp từng thắc mắc của nhóm phóng viên. Ngồi đối diện với ông – một người không bằng cấp, không học vị – mà chúng tôi tưởng như đang được trò chuyện với một cuốn từ điển sống về các loại máy móc, công nghệ, về tinh dầu, thảo mộc, và cả về cuộc sống…

Ông cũng không quên “khoe” cuộc sống điền viên hạnh phúc bên vợ và con trai. Một cách đầy mãn nguyện, ông nói: “Cảm ơn cuộc đời đã đưa đẩy để tôi được sống, được cho đi và nhận lại như ngày hôm nay…”

Yến Nhi @ songhuuco.vn

Nguồn:http://www.songhuuco.vn/Ong-trum-tinh-dau-Le-Que-Cho-di-thi-se-duoc-nhan-lai-d-879.html